Du lịch đường sắt: Làm gì để viên ngọc tỏa sáng? (Bài 3): Hành động nhỏ, hiệu quả lớn

VHO- Trở về sau một chuyến đi dài bằng đường sắt với những trải nghiệm thú vị, đáng nhớ..., là cảm nghĩ chung của nhiều hành khách và du khách trong thời gian gần đây. Dù vẫn còn đó những khó khăn, nhưng ngành đường sắt đã, đang nỗ lực từng bước để nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao hơn nữa của hành khách đi tàu.

Du lịch đường sắt: Làm gì để viên ngọc tỏa sáng? (Bài 3): Hành động nhỏ, hiệu quả lớn - Anh 1
 

Ngắm nhìn cảnh quan hai bên tàu khi di chuyển đem lại trải nghiệm tuyệt vời cho du khách khi đến Việt Nam

 “Mỗi khu ga là một điểm đến”

Thời gian tới, ngành đường sắt sẽ có những thay đổi mạnh mẽ, đặc biệt sau khi Bộ Chính trị ban hành kết luận về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, các đoạn đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Nha Trang được ưu tiên khởi công trong giai đoạn 2026-2030, phấn đấu hoàn thành toàn tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trước năm 2045. Bộ Chính trị cũng nêu mục tiêu đến năm 2030 sẽ cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có và tiếp tục đầu tư các tuyến đường sắt đô thị có nhu cầu vận tải lớn tại Hà Nội, TP.HCM. Cùng với đó, một số tuyến kết nối các cảng biển cửa ngõ quốc tế như Hà Nội - Hải Phòng, Biên Hòa - Vũng Tàu, cửa khẩu quốc tế Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Lạng Sơn cũng được khởi công. Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là trục “xương sống”, khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, kết nối với các tuyến đường sắt đô thị, các trung tâm kinh tế lớn, đầu mối vận tải trong nước (cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế) và liên vận quốc tế. Sau khi có kết luận của Bộ Chính trị, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam trong nhiệm kỳ 2021-2026. Bộ GTVT sẽ lập báo cáo khả thi, duyệt thiết kế, giải phóng mặt bằng, sau đó khởi công một số gói thầu của hai đoạn Hà Nội - Vinh, TP.HCM - Nha Trang.

Trong khi chờ đợi dự án được triển khai với những bước đột phá lớn trong vận chuyển hành khách, hàng hóa cũng như cải thiện về tốc độ chạy tàu, ngành đường sắt vẫn vận hành trên tuyến đường cũ, tốc độ chạy tàu cũ… Tuy nhiên, để phục vụ và nâng cao chất lượng phục vụ, ngành đường sắt đã và đang có những bước đi nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của hành khách. Ông Hoàng Gia Khánh, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, từ năm 2022, sau khi đại dịch Covid- 19 được kiểm soát, hoạt động vận tải bằng đường sắt bắt đầu hồi phục. Cụ thể, doanh thu của Tổng công ty đạt hơn 7.718 tỉ đồng, bằng 113,8% so cùng kỳ và đạt 115,8% kế hoạch năm. Qua đó, giúp giảm lỗ 407 tỉ đồng so năm 2021. Tính chung cả năm, hoạt động vận tải hành khách bằng đường sắt đã phục hồi nhưng sản lượng vẫn chưa đạt như mức của năm 2019. Xác định nâng cao chất lượng phục vụ hành khách là mục tiêu xuyên suốt, là nhiệm vụ sống còn của đường sắt, vì vậy, trong những năm qua, Tổng công ty đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng hạ tầng, nâng cao chất lượng phương tiện và gia tăng các dịch vụ tiện ích phục vụ hành khách; đồng thời đa dạng các dịch vụ cung cấp đến hành khách như phát triển loại hình du lịch gắn với trải nghiệm ẩm thực vùng miền foodtour Hà Nội - Hải Phòng; triển khai mô hình “Đường tàu - đường hoa” nhằm cải thiện môi trường đường sắt, hướng đến hình thành một con đường hoa dài nhất Việt Nam, góp phần phát triển du lịch tại các tỉnh, thành có đường sắt đi qua…

Gần đây nhất, đường sắt đang thử nghiệm đưa vào khai thác phòng đợi tàu có dịch vụ tại ga Long Biên (cà phê Hoả xa) với mong muốn có một không gian phòng chờ hiện đại có dịch vụ hỗ trợ phục vụ hành khách; đảm bảo an toàn cho du khách có nhu cầu tham quan cầu Long Biên, kiến trúc nhà ga Long Biên và các hoạt động chạy tàu của ngành đường sắt một cách hợp pháp, an toàn; góp phần thu hút du khách đến với thủ đô Hà Nội. Đây cũng là dự án nằm trong kế hoạch đa dạng hoá các loại hình dịch vụ hỗ trợ vận tải; nâng cao chất lượng phục vụ; nâng cao đời sống người lao động và đầu tư nâng cấp “Mỗi khu ga là một điểm đến” tại các tỉnh, thành có đường sắt đi qua.

Ông Lê Minh Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đường sắt Hà Nội (Haraco) cho biết, từ khi triển khai mô hình “Đường tàu - đường hoa”, xung quanh đường tàu đã phong quang, sạch đẹp, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của nhân viên ngành đường sắt cũng như của hành khách đã được nâng cao một bước.

Du lịch đường sắt: Làm gì để viên ngọc tỏa sáng? (Bài 3): Hành động nhỏ, hiệu quả lớn - Anh 2

 Bên cạnh các toa xe được nâng cấp, cải tạo, chất lượng phục vụ của nhân viên ngành đường sắt cũng được du khách đánh giá cao

Hành khách là trung tâm phục vụ

Ông Lê Minh Tuấn cho biết, bên cạnh các chính sách bán vé khuyến mãi, việc nâng cấp toa xe và nâng cao chất lượng phục vụ được doanh nghiệp thực hiện nhằm thu hút khách cũng như đem đến trải nghiệm tốt hơn cho du khách đi tàu. Nhiều toa xe được nâng cấp, tạo sự thoải mái cho hành khách trong suốt hành trình như giường nằm cao cấp, đèn đọc sách tích hợp sạc điện thoại bằng cổng USB, màn hình LED thông báo ga đến, vận tốc tàu đang di chuyển... Cùng với đó, buồng vệ sinh cũng được chăm chút sẽ khiến hành khách, trong đó có nhiều du khách nước ngoài khi trải nghiệm du lịch bằng đường sắt hài lòng.

Với những cải tạo, nâng cấp đó, du lịch bằng đường sắt đang thu hút du khách ngày càng nhiều hơn. Theo thông tin từ Haraco , sản lượng doanh thu vận tải 6 tháng đầu năm 2023 hoàn thành kế hoạch đặt ra và tăng so với cùng kỳ 2022. Tổng doanh thu vận tải 6 tháng đầu năm 2023 đạt 1.111,4 tỉ đồng (đạt 109% so với kế hoạch). Đặc biệt, tính đến thời điểm hiện tại, Haraco sau thời gian khôi phục do ảnh hưởng của Covid-19 đã ký hợp đồng vận chuyển với 8 đơn vị du lịch gồm 21 toa xe trên tuyến Hà Nội - Lào Cai, tuyến Hà Nội - Đà Nẵng có 4 đơn vị, 5 toa xe, tuyến Hà Nội – Vinh có 1 đơn vị, 2 toa xe. Ông Lê Minh Tuấn cho biết thêm, Công ty hiện vẫn đang thúc đẩy, điều chỉnh các chính sách về giá vé để tiếp tục thu hút và ký hợp đồng với nhiều đơn vị du lịch trong thời gian tới trên các tuyến do Công ty quản lý. Việc triển khai bán các sản phẩm du lịch đường sắt theo hình thức charter (thuê trọn chuyến) giúp các doanh nghiệp du lịch chủ động khai thác hiệu quả tour du lịch đường sắt. Những điểm đến như Sa Pa (Lào Cai), Đồng Hới (Quảng Bình), Huế (Thừa Thiên Huế) và các điểm du lịch có đường sắt đi qua luôn được nhiều doanh nghiệp lữ hành lựa chọn để triển khai tour bằng đường sắt.

Theo lãnh đạo ngành đường sắt, thời gian gần đây, vận chuyển hành khách bằng đường sắt chịu sự cạnh tranh gay gắt của các loại hình vận tải, đặc biệt là hàng không và đường bộ khi các hãng thường xuyên giảm giá, tăng số lượng chuyến và đường bộ được nâng cấp. Tuy nhiên, với hành khách nói chung và khách du lịch nói riêng khi lựa chọn di chuyển bằng đường sắt là họ đã lựa chọn sự trải nghiệm. Với đặc tính riêng cùng chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cấp, du lịch đường sắt đang thu hút nhiều người lựa chọn. Ông Lê Minh Tuấn tiết lộ thêm, ngành đường sắt và các đơn vị lữ hành đã, đang phối hợp để cùng xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn, tăng sức thu hút với du khách. Dự kiến tháng 8 tới sẽ vận hành đoàn tàu kiểu mẫu khi toa xe được nâng cấp, chất lượng được nâng lên một mức cao hơn nữa. Tuyến đường sắt Hà Nội - Đà Nẵng được chọn để triển khai đoàn tàu này.

Trong khi chờ đợi triển khai dự án lớn, ngành đường sắt đang thực hiện những bước đi dù nhỏ nhưng rất thiết thực để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của hành khách, đáp ứng kỳ vọng của du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài với mong muốn trải nghiệm tuyến đường sắt có hành trình du lịch bằng tàu ngoạn mục nhất thế giới.

QUẢNG XƯƠNG

(Còn nữa)

Ý kiến bạn đọc